03 tháng 8 2012

Thực phẩm lại đua theo giá xăng


Giá xăng dầu mới tăng một ngày, ngay lập tức giá rau củ, thực phẩm tại các chợ lẻ ở TP.HCM đã đua nhau tăng theo. Trong khi đó nguồn cung và giá những mặt hàng này tại các chợ đầu mối vẫn bình thường.
Thậm chí có mặt hàng giá thấp hơn bình thường.
Trong khi giá nhiều loại rau củ, thực phẩm ở chợ đầu mối vẫn ổn định thì giá tại chợ lẻ lại nhảy vọt (ảnh chụp tại chợ đầu mối Hóc Môn)  - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ghi nhận tại các chợ lẻ cho thấy nhóm hàng rau củ, thủy sản và thịt heo tăng 5-15% so với vài ngày trước.
Giá đua nhau “nhảy múa”
"Việc giá xăng dầu tăng ngày 1-8 chưa tác động ngay tới giá heo tại các chợ đầu mối, và nếu có tăng thì cũng không đáng kể"
Anh NGUYỄN SƠN
(thương lái tại chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn)
Chị Phạm Thị Phương (đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp) đi mua thực phẩm tại chợ Gò Vấp sáng 2-8 đã bất ngờ khi giá thịt heo tăng thêm 5.000 đồng/kg. “Mới hôm trước, tôi mua thịt ba rọi chỉ 80.000-85.000 đồng/kg nay đã lên tới 90.000 đồng” - chị Phương bức xúc. Cùng cảnh ngộ như chị Phương, bà Hoài - người dân sống quanh khu vực này - ngán ngẩm nói: “Giá thịt rồi rau củ cứ tăng liên tục”. Bà Hoài tính toán giá bắp cải Đà Lạt loại ngon hôm trước chỉ 8.000 đồng/kg, hôm nay đã tăng lên gần 10.000 đồng, rồi cà rốt từ 22.000 đồng đã nhảy lên 25.000 đồng/kg.
Không riêng gì chợ Gò Vấp, khảo sát tại nhiều chợ nội thành TP.HCM, giá các loại thực phẩm tươi sống và rau củ thay đổi đến chóng mặt. Tại chợ Vườn Chuối (Q.3), trưa 2-8 tôm đất từ 90.000 đồng lên mức 100.000 đồng/kg, cá điêu hồng dao động 45.000-50.000 đồng/kg. Chị Lê Hoài Ninh (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), người dân thường xuyên đi chợ này, cho biết các loại cá và thịt đã tăng thêm bình quân 5.000-10.000 đồng so với vài hôm trước. “Giá thực phẩm cứ thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, chúng tôi chẳng biết thực hư ra sao mà mua” - chị Ninh than thở. Trong khi đó tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), hàng loạt tiểu thương đều thông báo giá các loại bí xanh, khoai tây, bắp cải đã tăng từ 1.000-3.000 đồng so với vài ngày trước.
Lý giải việc giá thực phẩm “nhảy múa” liên tục mấy ngày gần đây, chị Mỹ Dung - chủ sạp thịt heo tại chợ Gò Vấp - cho biết: “Thịt heo loại ngon nhập từ chợ đầu mối ngay đêm 2-8 đã tăng lên thêm 3.000 đồng/kg so với hôm trước, đầu mối tăng buộc chúng tôi phải tăng giá bán để kiếm chút lời”.
Cũng với cách lý giải tương tự, tiểu thương Phương Thảo, bán mặt hàng rau củ tại chợ Phạm Văn Hai, than thở: “Bữa nay tăng một đồng, mai mốt lại giảm hai đồng, lời lãi được bao nhiêu đâu”. Theo chị Thảo, giá mặt hàng rau củ tăng trong thời điểm này là do mưa bão và mới đây giá xăng tăng đã khiến giá rau củ cũng nhích lên theo. Trong khi đó, một thương lái kinh doanh thịt heo tại chợ Hóc Môn cho biết giá xăng dầu tăng đã khiến giá vận chuyển heo nhích lên, nên việc tăng giá này là hết sức bình thường.
Đầu mối vẫn giữ giá
Chấn chỉnh tình trạng “té nước theo mưa”
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện tình trạng vi phạm về giá vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều mặt hàng. Đặc biệt, tình trạng không niêm yết giá bán tập trung nhiều vào các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tân dược... Đầu tháng 8, giá một số sản phẩm thiết yếu như xăng, gas tăng. Đơn vị này cho biết sẽ tăng cường triển khai kiểm tra những vi phạm về giá như không niêm yết giá, niêm yết sai quy định để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “té nước theo mưa”, nâng giá bán bất hợp lý.
L.SƠN
Mặc dù tại các chợ lẻ giá hàng loạt mặt hàng thực phẩm thay đổi chóng mặt nhưng theo ghi nhận tại các chợ đầu mối, các đơn vị vận chuyển, giá nhiều mặt hàng vẫn giữ ở mức ổn định. Đại lý vận chuyển Long Thảo cho biết hiện các đơn vị vận chuyển rau củ, trái cây từ Đà Lạt về TP.HCM đang giữ giá ở mức 800-1.000 đồng/kg, giá xăng dầu tăng vẫn chưa ảnh hưởng ngay đến cước vận chuyển các loại sản phẩm này. Tương tự, giám đốc một công ty vận tải tư nhân cho biết mặc dù giá xăng dầu tăng bất ngờ nhưng hiện đơn vị này vẫn chưa có chủ trương tăng giá cước vận chuyển các loại hàng hóa trong nước.
Trong khi đó bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết hiện lượng hàng hóa về chợ vẫn giữ ở mức ổn định, dồi dào. Mỗi ngày tại chợ này có 3.200-3500 tấn hàng được nhập về. Bà Hà cho biết hiện giá nhiều mặt hàng đang ở mức khá thấp so với vài ngày trước do sức mua vẫn yếu và lượng hàng về chợ nhiều. Giá bầu, bí chỉ còn 4.000 đồng/kg, bắp cải xuống 6.000 đồng, trong khi dưa leo, khổ qua chỉ ở mức 4.000-5.000 đồng/kg.
“Đây là mức giá các tiểu thương niêm yết, chứ thực tế tại chợ sáng giá nhiều loại rau củ còn xuống thấp hơn như thế” - bà Hà khẳng định. Mặc dù giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng nhưng theo bà Hà vẫn chưa thể tác động ngay đến các mặt hàng tại chợ, “phải ít nhất 1-2 tuần nữa mới có tác động thật sự” - bà Hà nhấn mạnh.
Với giá mặt hàng thịt heo, anh Nguyễn Sơn, thương lái tại chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), cho biết giá thịt heo vài ngày gần đây có dao động chút đỉnh do heo xuất đi các tỉnh phía Bắc tăng nên nguồn cung thiếu hụt đôi chút, khiến giá nhích nhẹ lên nhưng đã trở lại mức bình thường ngay trong ngày. Theo anh Sơn, giá heo hơi hiện dao động ở mức khá thấp từ 39.000-40.000 đồng/kg loại 100kg và tùy thời điểm bán ra trong ngày.
DŨNG TUẤN

Ảnh: NGUYỄN TRÍ

* Chị Đặng Thị Thu Thảo(sinh viên một trường đại học ở TP.HCM):
“Ra đường là nghe tăng giá”
Tôi là sinh viên tỉnh về TP.HCM học, ngoài việc giá cả các mặt hàng tăng chung, mình còn phải chịu thêm giá tiền trọ đang tăng từng ngày. Gia đình làm không ra tiền, thương ba mẹ nên tôi cũng gắng sắp xếp thời gian đi làm thêm để trang trải chi phí. Năm trước tôi xài hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, nhưng năm nay phải trên 3 triệu đồng mà chất lượng cuộc sống ngày càng giảm.
Để hạn chế chi tiêu, tôi rủ thêm bạn về tự nấu ăn, không ăn quán nữa, thịt cá thì ăn ít thôi, giờ chủ yếu ăn rau mua ở lề đường, xe đẩy, cố gắng tiết kiệm đồng nào tốt đồng đó.
Ảnh: NGỌC QUÝ
* Bà Nguyễn Thị Hòa
(đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3, TP.HCM):
“Thức ăn trong bữa cơm đã thay đổi”
Trước đây gia đình tôi mua gạo loại 20.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ dùng loại 12.000 đồng/kg. Thức ăn trong mỗi bữa cơm hằng ngày cũng có sự thay đổi, tôi cũng như nhiều người đi chợ khác phải tìm loại nào vừa túi tiền để mua. Trước kia thịt là thực phẩm chính trong các bữa ăn thì giờ gia đình tôi dùng cá nhiều hơn vì nhiều loại cá rẻ hơn so với thịt.
Không những cắt giảm chi tiêu ở những bữa ăn chính, bữa sáng cũng nằm trong danh sách ấy. Lúc trước, mỗi buổi sáng gia đình tôi ăn ngoài phải tốn 20.000 đồng/người thì nay tôi đi chợ nấu nồi cháo hay cơm, như vậy sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều.
 NGUYỄN TRÍ - NGỌC QUÝ ghi


Nguồn: tuoitre.vn

tags: thuc pham tang theo gia xang

02 tháng 8 2012

Mẹo tránh cước "khủng" GPRS khi dùng smartphone


Khách hàng sử dụng các máy iPhone, smartphone thông thường đều có cài sẵn các ứng dụng mà hầu hết các ứng dụng này phải có sóng GPRS/3G/EDGE mới sử dụng được. Khi kích hoạt sử dụng các ứng dụng thì máy lập tức kết nối Ineternet nên phát sinh cước GPRS.

Các dịch vụ thường sử dụng có tính cước GPRS (dịch vụ Internet của điện thoại di động cung cấp các dịch vụ tiện ích như: truy cập Internet, gửi và nhận các gói dữ liệu, tải nhạc chuông hình ảnh, nhận và gửi tin nhắn đa phương tiện MMS…) hiện nay của các nhà mạng bao gồm:
 
Roaming quốc tế: Khách hàng có mở dịch vụ Roaming quốc tế, khi đi nước ngoài truy cập Internet qua GPRS thì cước được tính theo cách: cước GPRS trong nước + cước roaming quốc tế tại nước sở tại. Nếu khách hàng chưa rõ cách tính cước này khi truy cập Internet ở nước ngoài qua GPRS sẽ phát sinh cước roaming quốc tế.
 
Game: Khi chơi một số trò chơi trên mạng (thường là các game online), khách hàng nghĩ đã download trò chơi nhưng thực sự đang chơi online, nên trong thời gian chơi games máy vẫn phải kết nối Internet qua GPRS và bị tính cước kết nối mạng Internet qua GPRS.
 
Email: Khách hàng sử dụng máy điện thoại di động có tính năng tự động tìm kiếm dữ liệu mới của email nên tự động kết nối GPRS mà không biết nên phát sinh cước.
 
Khách hàng sử dụng các máy iPhone, smart phone đều có cài sẵn các ứng dụng mà hầu hết các ứng dụng này phải có sóng GPRS/3G/EDGE mới sử dụng được. Cho nên, khi kích hoạt sử dụng các ứng dụng thì máy lập tức kết nối Ineternet nên phát sinh cước GPRS.
 
Để kiểm soát cước GPRS, trước hết, khách hàng nên đăng ký sử dụng các gói cước GPRS của nhà mạng để tiết kiệm chi phí. Khi truy cập Internet, khách hàng cần để ý máy đang vào Intermet bằng wifi hay bằng GPRS.
 
Truy cập Internet bằng wifi khi máy để chế độ UMTS hoặc Dualmode là đã cài đặt GPRS, 3G. Nếu mất sóng Wifi, khách hàng vào mạng Internet máy sẽ tự động sử dụng sóng GPRS/3G để truy cập. Vì vậy cần để ý biểu tượng khi truy cập Internet.
 
Với máy iPhone, khi cài các phần mềm trò chơi và ứng dụng thì trên máy có một ứng dụng tên là ANNS - Apple Push Notification Service. Ứng dụng này có tác dụng tự động truy cập các server để kiểm tra phần mềm ứng dụng hoặc cập nhật trò chơi phiên bản mới. Khi khách hàng cài đặt email trên máy thì hệ thống sẽ tự động truy cập mail server để kiểm tra email.
 
Để tránh phát sinh cước ngoài ý muốn này, khách hàng làm các thao tác sau:
 
Menu >>Settings >> General >> Network>> OFF để tắt chức năng Cellular data.
 
Để tắt tính năng thông báo cập nhật phần mềm mới: Menu >> Settings >> Notifications >> OFF để tắt chức năng thông báo.
 
Khi muốn truy cập GPRS thì thao tác: Menu>> Settings >> General >> Network>> on Celluler Data.
 
Với các máy Blackberry, khi không muốn truy cập internet bằng GPRS thì cài đặt như sau: Application>>Option>>Mobile Network>>Data services>> OFF.
 
Muốn truy cập Internet bằng GPRS thì thao tác: Application>>Option>>Mobile Network>>Data services>> on.
 
Các dòng máy sử dụng hệ điều hành Windowns Mobile, khi không muốn truy cập internet bằng GPRS thì cài đặt như sau: Start>>> Setting>> Wireless control >> Data connection>> OFF.
 
Nếu muốn truy cập Internet bằng GPRS thì cài đặt: Start>>> Setting>>Wireless control>> Data connection>>ON.
 
Với máy Nokia, phần Packet Data Conn, nên để chế độ “When Needed” là chỉ dùng GPRS khi nào thấy cần; Nếu để chế độ “When Available” ( kết nối liên tục) thì cần để ý phía trên máy điện thoại gần cột sóng có hình quả cầu (biểu tượng đang truy cập Internet) hoặc dấu “= ” là đang truy cập GPRS;khi dấu “ =” bị đứt đoạn là máy không truy cập GPRS.
Theo VnMedia


tags: tranh tra cuoc GPRS cao