Liệu cảm biến 41MP có cứu được Nokia? Những thông tin bị rò rỉ không ngăn nổi sự ngạc nhiên mà người dùng sẽ dành cho Lumia 1020 trước những thành tựu về công nghệ mà thiết bị này có được. PureView trên Windows Phone 8 là một sự kết hợp mà iPhone và Android chưa thể có.
Theo các biên tâp viên của trang GSMarena, mặt trước của máy không có gì đặc biệt và cũng giống như các máy Nokia Lumia khác đang có trên thị trường. Giao diện và màu sắc của Windows Phone 8 hiển thị rất tốt trên màn hình AMOLED 4.5 inch, độ phân giải 1280 x 768 pixel. Nếu chỉ nhìn mặt trước khiến bạn nhầm Lumia 1020 với chiếc 920, không có gì phải xấu hổ cả. Phía trên màn hình có camera trước với ống kính góc rộng, giúp thu vào ảnh được nhiều người hơn.
Điểm đặc biệt của Lumia 1020 nằm ở mặt sau. Nokia đã nỗ lực cải tiến công nghệ chụp ảnh của mình từ lâu và đã cho ra đời một vài mẫu Windows Phone với công nghệ PureView, bao gồm chiếc Lumia 920 và 925. Tuy nhiên đây là lần đầu giới công nghệ được chứng kiến một cảm biến camera lớn và nổi bật đến cỡ này trên một chiếc smartphone hiện đại.
Cảm biến 41MP của Lumia 1020 hoàn toàn mới so với chiếc 808 PureView, đi kèm cùng ống kính 6 thành phần – nhiều hơn bất cứ smartphone nào. Ngoài ra, Nokia quảng cáo rằng công nghệ ổn định hình ảnh quang học trên Lumia 1020 đã được thiết kế lại từ đầu so với công nghệ tương tự có mặt trên chiếc 920. Không chỉ vậy, công nghệ cảm biến BSI (Back-side Illuminated) cho phép thu sáng tốt hơn, đặc biệt khi nhận được sự hỗ trợ từ đèn flash Xenon.
Khi cầm trên tay, không thể tránh khỏi cảm giác đây là một thiết bị cỡ lớn. Cảm biến PureView – chứa đến 41MP – chắc chắn không hề nhỏ. Đó là chưa tính đến ống kính được nhét vào thiết kế liền khối quen thuộc. Tuy nhiên nếu so với đàn anh 808 PureView nổi tiếng của năm ngoái, việc khu vực chứa camera của Lumia 1020 gọn hơn vài milimet chắc chắn là một nét cải tiến đáng kể.
Với chiếc smartphone mới này, bạn hoàn toàn có khả năng nhét vừa vào túi quần mà không gặp khó khăn gì. Viền 2 bên máy được uốn cong cũng giúp bạn cầm máy dễ dàng hơn nếu bạn có đôi bàn tay nhỏ. Trên thực tế, ở phần không có camera, Lumia 1020 chỉ dày hơn 920 có 0.3mm.
Hơn nữa, Lumia 1020 có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với ngoại hình của nó. Vỏ polycarbonate được phủ lớp mờ cũng đem lại cảm giác rất khỏe khoắn. Máy có trọng lượng 158g, không nặng hơn là mấy so với HTC One có vỏ bằng nhôm. iPhone 5 nặng 118g nhưng bù lại có màn hình và cảm biến camera gọn nhẹ hơn nhiều. Nhìn chung cảm giác trên tay của Lumia 1020 thoải mái hơn so với những gì nhiều người nghĩ ban đầu, tuy nhiên vẫn đòi hỏi một chút thời gian làm quen.
Ứng dụng Pro Camera mới vượt trội hơn hẳn so với phần mềm nguyên gốc của Windows Phone, cho phép bạn tùy chỉnh rất nhiều thông số chụp ảnh theo ý mình. Trang cài đặt thông thường cho phép bạn chỉnh độ phân giải chế độ dual-shot, dạng lưới mà bạn muốn hiển thị trên màn hình – ví dụ như hình vuông, tỉ lệ vàng, quy tắc một phần ba – và tỉ lệ ảnh.
Ngoài ra còn có các đường tròn trên màn hình cho phép bạn chọn cân bằng trắng, ISO, tốc độ chụp và các cài đặt quan trọng khác mà không phải di chuyển quá nhiều giữa các trang menu. Giao diện kiểu này thực tế đã có mặt trên Samsung Galaxy Camera nhưng vòng tròn trên máy của Samsung là dạng đặc và che khuất một phần màn hình. Trong khi đó Nokia đã thiết kế các vòng của Lumia 1020 trong suốt để bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh mình sẽ chụp trên máy.
Bạn cũng có thể truy cập các cài đặt bằng biểu tượng tương ứng của chúng ở phía trên màn hình. Tuyệt vời hơn, máy sẽ cho bạn xem trước các hiệu ứng mà bạn chọn ngay khi bạn cài đặt. Bạn sẽ không cần phải chụp cả tá ảnh rồi tìm ra đâu là bức chụp tốt nhất nữa. Vòng tròn trên giao diện chụp ảnh của Lumia 1020 còn có thể đóng vai trò là công cụ để bạn lấy nét bằng tay.
Trên thực tế, ngay cả Nikon và Canon cũng cần học hỏi Nokia để cải tiến giao diện cho các máy ảnh màn hình cảm ứng của mình. Người dùng có thể chụp ảnh bằng nút chụp cảm ứng hoặc phím bấm chuyên dụng 2 mức bấm, đem lại trải nghiệm giống hệt trên các máy ảnh du lịch.
Giao diện chụp ảnh
Công nghệ chụp ảnh trên Lumia 1020 thông minh ở cách mà nó sử dụng các điểm ảnh. Máy sẽ chụp 2 ảnh cùng một lúc: một ảnh qua xử lý lấy mẫu (oversampling) độ phân giải 5MP và ảnh còn lại độ phân giải đầy đủ 38MP. Nhờ đó bạn có thể sử dụng ảnh 5MP để chia sẻ với bạn bè dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể phóng to vào các bức ảnh đã chụp, chiếc Lumia 1020 sẽ sử dụng ảnh gốc để quá trình phóng to không bị hao hụt chất lượng.
Khả năng trên còn được tích hợp trong quay video, bạn có thể zoom 6x kể cả đối với phim 720p hoặc 4x đối với 1080p. Tính năng lấy nét bằng tay không hoạt động khi quay video nhưng nói chung bạn vẫn có thể điều chỉnh các thông số khá tốt. Khi zoom ở chế độ video, hệ thống ổn định hình ảnh quang học hoạt động tốt một cách đáng ngạc nhiên. Kể cả khi bạn zoom hết cỡ và đi lại quanh phòng, hình ảnh của video vẫn ở mức chấp nhận được. Lumia 1020 có 2 mic cùng với công nghệ Rich Audio Recording cho phép thu âm thanh chất lượng cao kể cả trong môi trường ồn ào.
Giao diện quay phim
Từ những trải nghiệm ban đầu, vẫn có thể thấy được Lumia 1020 là một sản phẩm đặc biệt mà Nokia đem đến thị trường smartphone hiện nay. Khả năng zoom sâu vào ảnh mà vẫn giữ nguyên độ nét và chất lượng là điều đáng kinh ngạc. Để làm được điều tương tự, các đối thủ như Samsung phải nhờ đến zoom quang trên các thiết bị như Galaxy S4 Zoom.
Tại sự kiện vừa diễn ra, Nokia cũng giới thiệu một phụ kiện dành riêng cho Lumia 1020 có tên Camera Grip. Chiếc vỏ này giúp bạn sử dụng máy để chụp ảnh tốt hơn cùng một phím chụp chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa bạn còn có thể gắn bộ vỏ này vào tripod để cho ra những bức ảnh chất lượng cao nhất có thể. Được tích hợp trong bộ vỏ Grip là pin 1.020mAh để bổ sung cho pin 2.000mAh sẵn có trong điện thoại. Để sở hữu phụ kiện chính hãng này, bạn phải bỏ ra 79 USD, tức khoảng 2,5 triệu đồng.
Clip trải nghiệm Luma 1020