Cách chọn mua smartphone cũ phần II
Những điều cần biết để mua được 1 chiếc điện thoại cũ với giá rẻ mà không dính hàng dựng, hàng có lỗi.
Vấn đề đầu tiên mà người chơi đồ công nghệ gặp phải thường là... Tiền đâu? Với hầu bao vốn dĩ không rộng rãi gì và ngày càng eo hẹp hơn trong thời buổi kinh tế khó khăn của đại đa số người dùng Việt, vấn đề chi phí thường là yếu tố đầu tiên được đem ra cân nhắc khi chọn mua cho mình 1 chiếc điện thoại. Chọn mua smartphone cũ là phương án ngày càng được nhiều người lựa chọn vì lý do giá bán của 1 chiếc smartphone 1 năm tuổi thường chỉ còn từ 60-80% giá của 1 chiếc điện thoại mới trong khi giá trị sử dụng lại không thua kém quá nhiều nếu biết chọn lựa.
Những kinh nghiệm cần biết khi chọn mua điện thoại cũ. Hi vọng với những hướng dẫn này, bạn đọc có thể tự tin chọn cho mình 1 chiếc điện thoại phù hợp túi tiền trong khi vẫn bảo đảm chất lượng.
1. Không tham rẻ, tránh xa thương gia
Dù là đồ cũ , 1 chiếc smartphone vẫn sẽ có cái giá nhất định, đừng bao giờ tin vào những cái giá quá "bèo" để rồi phải ăn quả đắng. Hiện tượng rao bán smartphone có giá rẻ giật mình thường gặp nhất là ở dòng iPhone. Hiện tại có vô số thương gia rao bán iPhone cũ với những cái giá "rẻ như cho", nhưng xin hãy tin tôi, những mẩu quảng cáo iPhone 4 mới 98% mà bạn tìm được trên Google cũng có xác suất... 98% là hàng dựng. Ra mắt được 4 năm, dừng sản xuất đã gần 2 năm nay (trừ mẫu 8GB), cả những người dùng cẩn thận nhất cũng không thể giữ cho hình thức của chiếc iPhone 4 long lanh như mới.
Nếu bạn nào đã từng sang Quảng Châu, đi chợ linh kiện điện thoại, được chứng kiến từng bó mainboard iPhone 4 được bày bán như mớ rau con cá phục vụ cho dân "dựng đồ" thì bạn sẽ cảm thấy chùn tay hơn nhiều trước những chiếc iPhone 4, iPhone 4S 98% được bán với giá 3 triệu ở Việt Nam. Ngành mua bán hàng cũ thường là "gặp đâu đụng đó", những thương gia bán đồ cũ chân chính thường chỉ kiến lời qua việc đưa đẩy số lượng nhỏ, mua đi bán lại từ người dùng cá nhân. Nếu 1 thương gia nắm trong tay tới vài chục chiếc iPhone 4 cũ cùng 1 lúc thì khả năng số hàng của anh ta đến từ Quảng Châu là rất lớn. Điện thoại dựng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề , nếu bạn thật sự cần 1 chiếc smartphone với 3 triệu đồng bạn hoàn toàn có thể tìm được 1 chiếc smartphone mới với cấu hình đủ dùng thay vì nhắm mắt đưa chân với hàng dựng.
Vậy làm sao để tránh hàng dựng? Trước hết là hãy tránh xa các thương gia bán buôn "số lượng lớn" iPhone cũ. Tôi không dám khẳng định tất cả những thương gia này là bán hàng dựng, nhưng nguy cơ từ các đối tượng này là rất cao. Nếu bạn thực sự cần mua iPhone cũ, tốt nhất hãy tìm tới người bán cá nhân, đây là người sử dụng cần bán máy mà họ đang dùng để nâng cấp hoặc cần tiền. Với người bán cá nhân, việc kiểm tra nhân dạng bằng cách tìm kiếm số điện thoại người bán trên Google là điều cần thiết để tránh thương gia đội lốt hoặc tệ hơn là... lừa đảo chuyên nghiệp. Nếu bạn tìm được người bán trên diễn đàn, hãy tham khảo lịch sử bài viết của họ.
Lời khuyên không tham rẻ và tránh xa thương gia bán buôn hàng cũ số lượng lớn cũng được áp dụng với các dòng smartphone khác.
2. Kiểm tra máy trước khi mua
Mua điện thoại cũ coi như bạn đã chấp nhận hình thức mua bán tiền trao cháo múc, ngay cả khi có cam kết "bao test" 1 thời gian của người bán thì bạn cũng cần hiểu rằng nếu phát sinh sự cố sẽ là "đợi được vạ thì má đã sưng". Vì vậy đừng bao giờ đặt quá nhiều niềm tin vào những hứa hẹn của người bán mà hãy tự kiểm tra máy trước khi mua.
Điều đầu tiên bạn cần làm khi kiểm tra máy cũ là kiểm tra cảm quan. Vị trí đầu tiên mà bạn cần xem khi chọn mua máy cũ là các đầu... ốc vít của máy. Tất cả các dấu hiệu như đầu vít bị xước xát, bị toét hoặc con vít khác màu , sai chủng loại đều là dấu hiệu cho thấy máy từng bị cạy mở.
Tình trạng của đầu ốc vít là 1 chỉ thị rất tốt cho việc máy đã bị cạy mở hay chưa. Nếu ốc vít bị toét đầu, trầy xước, lẫn lộn nhiều loại thì hầu như chắc chắn là máy đã bị bung ra để sửa chữa, thay thế linh kiện.
Bên cạnh đó, hầu hết smartphone đều có 1 tem void đặt trên đầu 1 con ốc. Các tem này là cơ sở để hãng xác định máy đã bị cạy mở hay chưa khi máy đem ra bảo hành, nếu thiếu tem void này rất có thể chiếc smartphone đó đã bị cạy mở không theo chỉ định của hãng sản xuất.
Lý do 1 chiếc smartphone bị cạy mở thì rất nhiều, nhưng không có 1 lý do nào là tốt đẹp: Có thể máy bị lỗi phần cứng phải mở ra để sửa chữa, hoặc tệ hơn là máy đó là "hàng dựng" đã bị thay linh kiện.
Nhiều người đi mua điện thoại cũ thường hay săm soi rất kỹ các vết xước, móp trên thân máy. Sự thực là nếu không gây ra nứt vỡ màn hình hoặc các tật rất dễ nhìn thấy như chập chờn, sập nguồn thì các vết xước do rơi thường ít để lại di chứng cho smartphone. 1 chiếc smartphone cũ có 1 vài vết xước nhỏ trong quá trình sử dụng là điều bình thường và hầu như chỉ ảnh hưởng tới vấn đề thẩm mỹ là chính.
Những vết trầy xước thế này là 1 thực tế cần chấp nhận của người đi mua đồ cũ.
Thành phần dễ gặp lỗi nhất trên 1 chiếc smartphone là màn hình của máy. Ngoài việc kiểm tra màu sắc, điểm ảnh chết, các lỗi nhìn thấy được như loang, nứt vỡ thì việc kiểm tra panel cảm ứng của máy là điều cần thiết. Bạn có thể tải về các ứng dụng kiểm tra phần cứng của Android như Z-Device Test để kiểm tra toàn diện thiết bị, với iOS bạn có thể tải về 1 ứng dụng vẽ như Paint để kiểm tra màn hình cảm ứng, nhớ vẽ ra hết cả biên màn hình và vẽ thành lưới chạy chéo để tìm điểm chết cảm ứng nếu có.
Vẽ lưới chéo với mắt lưới càng dày càng tốt để kiểm tra màn hình cảm ứng.
Bên cạnh màn hình, bạn cũng cần kiểm tra các thành phần hay bị hao mòn như pin (xem số lần sạc, % dung lượng còn lại của pin) với iOS có thể kiểm tra bằng BatteryInfoLite (yêu cầu jailbreak và cài Cydia). Ngoài ra 1 số thành phần ít được để ý nhưng cũng khá thường xuyên gặp vấn đề đó là kết nối Bluetooth, hãy bật thử lên và kết nối với 1 máy khác có Bluetooth xem sao.
Hãy bình tĩnh kiểm tra kỹ sản phẩm bạn định mua, đừng ngại khi người bán thúc giục và cũng đừng ngại nói không với những sản phẩm có vấn đề. Thuận mua vừa bán, đừng vì cả nể mà rước về những sản phẩm dính lỗi.
3. Kiểm tra thông tin từ phía hãng sản xuất
Nếu bạn mua iPhone, việc kiểm tra thông tin về bảo hành cũng như thông tin về ngày mua sản phẩm khá đơn giản. Bạn chỉ cần vào ứng dụng gọi điện bấm chuỗi số *#06# và bấm phím gọi để lấy IMEI. Trước hết bạn kiểm tra thời gian mua máy bằng cách vào trang web kiểm tra bảo hành của Apple tại đây, nhập IMEI của máy để xem ngày mua và tình trạng bảo hành. Với các đời iPhone 4/4S cần kiểm tra thêm tình trạng sim lock của máy xem là bản quốc tế hay bản đã mở mạng bằng cách nhập IMEI của máy vào trang http://iphoneimei.info/ .
Với các máy chạy Android, việc kiểm tra thông tin bảo hành phức tạp hơn. Trước hết bạn cũng lấy IMEI của máy như với các thiết bị Android và làm theo hướng dẫn nhắn tin SMS sau đây (chỉ áp dụng cho các máy phân phối chính hãng ở VN).
Samsung: <15 số imei> gửi 6060
Nokia: BH<15 số imei> gửi 8099
LG: LGBH<15 số imei> gửi 8069
Sony: <15 số IMEI> gửi 19001525
HTC: Gọi cho tổng đài 1(900) 555 567 yêu cầu kiểm tra
4. Kiểm tra các dịch vụ khoá máy
Từ iOS 7 trở đi, tính năng Activation Lock thực sự đã trở thành 1 vấn nạn với người mua iPhone cũ. Nếu bạn mua phải iPhone bị người chủ cũ đăng nhập iCloud và kích hoạt Activation Lock thì sau khi restore máy bạn sẽ cần đăng nhập lại đúng tài khoản iCloud đó để sử dụng máy. Nếu người chủ cũ quên pass hoặc tệ hơn là bán máy ăn trộm thì chiếc iPhone bạn mới mua sẽ trở thành 1 chiếc chặn giấy đắt tiền vì hiện tại các dịch vụ mở khoá iCloud chưa có dịch vụ nào cam kết 100% thành công.
Bên cạnh Activation Lock của Apple, Samsung cũng tích hợp tính năng tương tự vào các smartphone từ Galaxy Note 3 trở đi dù độ bảo mật không cao bằng và có thể bị qua mặt bằng cách flash custom ROM. Tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên kiểm tra xem Reactivation Lock của các smartphone Samsung bằng cách vào Setting ->General -> Security -> xem dấu chọn ở Reactivation lock có được tích không.
Cách chọn mua smartphone cũ phần II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét