Thiết kế
Màu vỏ của Lumia 2520 gợi nhớ lại phong cách thiết kế bóng bảy của các sản phẩm thời những năm 1970. Các góc được vát mềm còn cạnh cũng không quá sắc nhọn. Lần đầu thâm nhập vào thị trường tablet, Nokia đã tạo được nét riêng cho sản phẩm của mình so với dòng máy tính bảng của Microsoft. Xét về mặt thẩm mỹ, lớp vỏ màu bóng bảy của 2520 thực sự rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng Lumia 2520 hơi mạnh tay một chút, miếng vỏ ốp có thể bị cong đi. Dù sở hữu độ mỏng 8,9 mm bằng với Surface 2 nhưng Lumia 2520 lại nhẹ hơn (615g) so với Surface 2 (680g).
Giống như các máy tính bảng khác, Lumia 2520 không có nhiều cổng kết nối nhưng cũng không hề thiếu. Cạnh trên được tích hợp khe cắm thẻ nhớ microSD cho phép tăng dung lượng lưu trữ từ 32GB lên 64GB. Ngoài ra, ngay bên cạnh là khe cắm thẻ SIM.
Lumia 2520 còn có cổng HDMI, cổng microUSB 3.0, khe cắm sạc và một vị trí dùng để kết nối máy tới bàn phím Power Keyboard của Nokia.
Màn hình ấn tượng, hiệu năng cao
Một trong những điểm mà Nokia ra sức quảng cáo là "độ sáng màn hình cao nhất trong phân khúc". Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy màn hình của Lumia 2520 vẫn khá khó nhìn nếu ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Dù vậy, màn hình của Lumia 2520 thực sự sáng khi ở mức mạnh nhất và cho màu sắc tươi tắn, bão hòa tốt hơn so với màn hình Surface 2.
Màn hình của Lumia 2520 nhỏ hơn một chút so với Surface 2. Cùng độ phân giải 1920 x 1080 pixel nhưng Lumia 2520 có kích thước màn hình là 10.1 inch, trong khi Surface 2 là 10.6 inch. Bạn chỉ có thể nhận ra sự khác biệt về kích thước màn hình khi đặt trực tiếp 2 máy cạnh nhau.
Trong khi Surface 2 sử dụng chip NVIDIA Tegra 4 tốc độ 1,7GHz, Lumia 2520 được trang bị chip Snapdragon lõi tứ 2.2GHz. Nếu xét về tốc độ xung nhịp, Lumia 2520 vượt trội hơn hẳn so với Surface 2. Tuy vậy, tốc độ xung nhịp cũng chỉ là một yếu tố tạo nên hiệu năng của một thiết bị.
Trong thực tế, Lumia 2520 nhanh và mượt ngang bằng với Surface 2 cũng như các máy tính bảng iOS và Android khác. Giao diện người dùng phản ứng với thao tác của người dùng với tốc độ cao. Việc tải về và cuộn trang web diễn ra rất nhanh. Các ứng dụng văn phòng Office cài sẵn khởi động và xử lý văn bản một cách rất nhẹ nhàng.
Vỏ kiêm bàn phím
Nokia cho biết pin 8.000mAh của Lumia 2520 cùng với vi xử lý của Qualcomm cho thời lượng xem video lên tới 11 tiếng. Con số này vẫn thấp hơn một giờ so với kết quả của Surface 2. Ngoài ra, Nokia cũng tự hào rằng Lumia 2520 có thể sạc từ mức pin thấp nhất tới 80% chỉ trong một giờ.
Nếu bạn mua phụ kiện vỏ kiêm bàn phím Power Keyboard (giá 150 USD tại Mỹ, tương đương với hơn 3 triệu đồng), thời lượng pin sẽ được tăng thêm 5 giờ. Khi không sử dụng, bộ bàn phím này hoàn toàn có thể đóng vai trò làm vỏ gắn ngoài cho cảm giác máy chắc chắn hơn, nhưng ngược lại cũng dày và nặng hơn. Ngoài pin được tích hợp sẵn, Power Keyboard còn có 2 cổng USB.
Trải nghiệm nói chung của bàn phím Power Keyboard tốt hơn Type Cover của Microsoft, từ cách sắp xếp phím cho tới hành trình của phím. Tuy nhiên, khoảng cách giữa phím và touchpad của Power Keyboard hơi xa nhau. Ngoài ra, bộ touchpad cũng có chất lượng lắp ráp không tốt lắm, thường xuyên không giữ được bề mặt phẳng.
Bàn phím là một phụ kiện rất quan trọng đối với máy tính bảng Windows, quyết định tới trải nghiệm ứng dụng văn phòng của bạn – lý do mà bạn tìm đến với Surface 2 hay Lumia 2520. Vì vậy trước khi chọn mua 2 thiết bị này, bạn nên thử cả 2 bộ bàn phím Power Keyboard và Type Cover. Microsoft cũng đang chuẩn bị tung ra bộ bàn phím kiêm pin gắn ngoài Power Cover cho Surface vào năm 2014 với giá 200 USD tại Mỹ (khoảng hơn 4 triệu đồng).
Camera tốt
Nokia rất chú trọng vào công nghệ camera di động. Hãng trang bị cho Lumia 2520 camera độ phân giải 6.7MP, sử dụng ống kính Carl Zeiss. Kết quả ảnh rất tuyệt vời đối với một chiếc máy tính bảng.
Từ camera, bộ bàn phím, vi xử lý cho tới thiết kế, Lumia 2520 khác với Surface 2 rất nhiều. Đây là điều tốt cho khách hàng bởi họ được quyền lựa chọn giữa 2 chiếc máy tính bảng Windows RT 8.1 10 inch và mỗi chiếc đều có nét riêng của mình, không trùng lặp.
Tại Mỹ, Lumia 2520 có giá 500 USD (tức khoảng hơn 10 triệu đồng), đắt hơn 50 USD (tương đương 1 triệu đồng) so với Surface 2. Nếu bạn có đủ khả năng tài chính, hãy tìm đến những chiếc máy tính bảng chạy Windows 8.1 đầy đủ với giá chỉ nhỉnh hơn một chút. So với những máy tính bảng Windows 8.1, Lumia 2520 vẫn là một sự lựa chọn khá tốt ở tầm giá cuả nó.
Clip trải nghiệm Nokia Lumia 2520
Clip trải nghiệm Nokia Lumia 2520
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét