Cách chọn mua smartphone cũ phần I
Bên cạnh kiến thức kỹ thuật thì tố chất tâm lý và kinh nghiệm cũng là những điều không thể thiếu khi đi mua smartphone cũ.
5. Kiểm tra phụ kiện
Một trong những điểm thường hay bị người mua đồ cũ bỏ qua nhất là phụ kiện. Nhiều người đi mua đồ cũ kiểm tra máy rất kỹ nhưng lại "ào ào cho qua" với phụ kiện. Và đây chính là 1 trong những "nguồn thu chính" của các thương gia chuyên buôn bán đồ cũ. 1 bộ cáp sạc lightning và củ sạc chính hãng, còn tốt của các iPhone 5S có thể bán hơn 300 ngàn, 1 bộ sạc chính hãng của các dòng flagship của Samsung cũng có thể được bán với giá gần 200 ngàn. Và đây sẽ là cái giá bạn phải trả thêm nếu bạn để thương gia đánh tráo sạc theo máy bằng sạc lô, sạc nhái.
Sử dụng sạc nhái không chỉ gây hại cho máy, pin mà còn gây nguy hiểm cho chính bạn. Vì vậy trước khi nhận máy bạn cần kiểm tra sạc cáp một cách sơ bộ bằng cảm quan. Đối với các loại sạc hay bị làm giả như sạc iPhone thì kiểm tra cảm quan là khâu không thể bỏ qua.
Với các loại sạc của máy Android ít bị làm giả hơn thì bạn có thể kiểm tra qua bằng cách cắm thử sạc và dùng máy trong 1 lúc xem điện có vào máy không, máy có bị loạn cảm ứng hay không, kiểm tra thông tin ghi trên sạc như tên model, tên hãng sản xuất có khớp với model máy hay không. Một điều cần nhớ là tất cả các hãng sản xuất lớn đều chăm chút cho phần cáp sạc của mình rất kỹ lưỡng vì vậy nếu bạn thấy dây sạc cứng quèo, phần nhựa bị dại hay vẫn còn lòng thòng viền nhựa thì có thể khẳng định tới 99% đó là dây sạc "lô".
Bên cạnh sạc, cáp thì tai nghe, hộp, bút cảm ứng (nếu có) v...v... cũng cần được kiểm tra trước khi nhận máy. Sẽ rất buồn nếu bạn vác máy về hăm hở cắm tai nghe vào và phát hiện ra 1 bên tai tậm tịt. Trước khi mua hàng, lên mạng tìm hiểu về các phụ kiện đi kèm máy khi bán ra để đòi hỏi quyền lợi chính đáng là điều nên làm. Đặc biệt là 1 số máy xách tay thường tặng kèm pin, cốc sạc mà người bán thường có xu hướng "lờ" đi nếu bạn không hỏi...
6. Không được ngại
Nhiều người đi mua điện thoại cũ với tâm lý ngại soi mói, đến nơi trao tiền xem qua loa rồi thanh toán đi về. Sự thực là nhiều thương gia lọc lõi thường hay khai thác khía cạnh tậm lý này của người mua để tung ra những đòn nắn gân theo kiểu "không có tiền mua áo mới thì đừng chê áo cũ vá chằng".
Vì vậy độ lỳ là 1 trong những tố chất tâm lý cần có của người đi mua đồ cũ. Thuận mua vừa bán nếu anh muốn bán được hàng thì để tôi kiểm tra kỹ càng còn không tôi sẵn sàng đi tìm chỗ bán khác. 1 đồng cũng là tiền, đừng vì chút ngại ngùng mà chặc lưỡi cho qua để rồi về sau phải chung sống với bệnh tật của sản phẩm mình vừa mua. Nếu bạn không đủ độ "rắn" thì lời khuyên là nên kéo theo 1 người có kinh nghiệm đi cùng, 2 người đi bao giờ cũng vững dạ hơn 1.
7. Mua bán tại nhà, tiền trao cháo múc
Mặc dù hầu như năm nào cộng đồng mạng cũng được dịp xôn xao vì những vụ "siêu lừa" trên các diễn đàn công nghệ. Kịch bản chung của các vụ lừa đảo này rất đơn giản: 1 thành viên uy tín trên diễn đàn từng mua bán rất nhiều tung ra 1 chương trình mua bán hấp dẫn, các thành viên từng "sống chết có nhau" trên mạng hùn tiền vào, cuối cùng anh chàng có uy tín kia ẵm đống tiền lặn mất tăm.
Từ những sự vụ ấy, bài học rút ra là đừng "thả gà ra đuổi" giao tiền trước, nhận hàng sau trong bất cứ trường hợp nào, kể cả với những thành viên gạo cội nhất của diễn đàn. Vì sự thực là ai cũng có thể có lúc túng quẫn. Đói ăn vụng, túng làm liều. Vì vậy nguyên tắc số 1 khi mua bán online tại VN giữa 2 cá nhân với nhau là "tiền trao cháo múc". Đặc biệt khi mua bán đồ cũ thì việc kiểm tra tận tay món hàng bạn sẽ mua lại càng quan trọng hơn. Vì vậy nếu bạn tìm được 1 món đồ phù hợp yêu cầu, túi tiền nhưng lại không thể tới kiểm tra tận nơi được cũng như không thể nhờ được người có kinh nghiệm tới xem máy thì lời khuyên là hãy tìm người bán khác. Cứ yên tâm là với tốc độ phát triển của thị trường smartphone ở VN, sẽ luôn có 1 người bán đảm bảo 3 yêu cầu: Rẻ, tốt, gần.
Một kinh nghiệm khác khi mua smartphone là bạn nên yêu cầu mua bán tại nhà người bán, như vậy, nếu mua bán có xảy ra vấn đề gì ít nhất bạn cũng biết cần tìm đến đâu để khiếu nại thay vì 1 số điện thoại rất mong manh.
8. Thêm vài mẹo vặt bên lề
Các smartphone đời mới thường có 1 bộ đếm thời gian nghe gọi từ lúc bắt đầu mở hộp. Thông qua thời gian này bạn có thể mường tượng được thời gian cũng như cường độ sử dụng của chủ cũ.
Với máy Samsung: Phone-> Logs-> bấm menu-> call duration -> All Calls
HTC: Setting -> Wireless network -> More -> Usage -> Minutes.
Với các máy Android khác có thể dùng BearContact (chú ý là 1 số NSX sẽ đưa thời gian này về 0 mỗi lần factory reset máy)
Windows Phone: vào phone bấm ##634#
1 số hãng sản xuất cũng tích hợp bộ công cụ kiểm tra phần cứng của máy. Bạn có thể gọi bộ công cụ này như sau:
Samsung: vào phone bấm *#0*#
HTC: vào phone bấm *#*#3424#*#*
Sony:vào phone bấm *#*#7378423#*#*
Oppo:vào phone bấm *#36446337#
9. Học cách biết hài lòng và kiên nhẫn
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc đi mua điện thoại cũ là hãy biết hài lòng. Xét cho cùng, bạn đã tiết kiệm được ít nhất hơn 30% giá trị của 1 chiếc điện thoại so với khi mua mới, và cái gì cũng có giá của nó. Một vài vết xước nhỏ, thiếu đi chiếc tai nghe hay cái vỏ hộp là những điều hoàn toàn có thể chấp nhận được khi so sánh với lợi ích kinh tế mà điện thoại cũ mang lại.
Và tin tôi đi, cảm giác sung sướng khi cầm trên tay 1 món đồ mình vừa mua về với giá hời cũng chẳng kém gì sự háo hức được "bóc tem" 1 chiếc điện thoại mới toanh. Có phần còn sung sướng hơn vì bạn sẽ không phải đối diện với những lời mè nheo của chiếc hầu bao lép kẹp hay những bà vợ hay cằn nhằn về thói tiêu hoang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét