31 tháng 7 2012

Nàng dâu đoảng

Ba ngày bà nội về quê là nó cũng để bếp nguội lạnh luôn, có bữa chỉ cắm bình siêu tốc để pha mì tôm, có bữa thì cơm quán, khi thì sang bà ngoại ăn trực, thậm chí thằng con một tuổi rưỡi cũng ăn mỳ cùng mẹ….


Là con út trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, nó được bố mẹ và anh chị chiều chuộng từ bé nên chẳng bao giờ phải làm việc nhà. Lớn lên đi học đại học gần nhà nên chưa bao giờ phải xa nhà, phải tự lo cho bản thân như nhiều bạn cùng trang lứa. Có lẽ việc mà nó thông thạo nhất là pha mì tôm và cắm nồi cơm điện. Chẳng bao giờ nó phải cầm cái chổi lau nhà hay đi chợ nấu cơm vì có bố mẹ và các chị gái làm hết rồi.


Ra trường được vài tháng nó kết hôn với một anh chàng hơn nó một tuổi quê Nam Định, nó bước vào cuộc sống gia đình cũng hết sức vô tư và hồn nhiên như thời còn ở với bố mẹ. Chồng nó là dân công trình lên cũng đi suốt, hầu như chỉ có hai mẹ con và thằng nhỏ ở nhà.


Mẹ chồng lên ở với nó từ khi nó sinh bé, bao nhiêu việc nó phó mặc hết cho bà từ trông cháu, chợ búa và việc nhà. Sáng sớm, bà dậy đi mua hoặc nấu đồ ăn sáng tinh tươm cho cả nhà còn nó cứ ngủ đến sáng bảnh, ăn xong thì đi làm, mặc bà cho cháu ăn và dọn dẹp nhà cửa.


Tối về nó tắm rửa xong thì nô với con còn bà nội thì chuẩn bị bữa tối, ăn xong thì hầu như là bà rửa bát vì nó còn “bận” xem ti vi, nhà nó mới tậu cái đầu HD nên nhiều phim lắm mà tính nó lại mê phim ảnh.


Có lần bà về quê 3 ngày thì nó cũng chẳng nấu cơm luôn, bữa thì ăn mì tôm, bữa thì ăn quán, có lúc sang bà ngoại gần đó ăn trực, thậm chí cũng chẳng nấu cháo cho thằng cu con, thằng bé cũng phải ăn mì tôm theo mẹ, hoặc nó chạy ù ra hàng mua một bát cháo cho con. Nó bảo một mình nấu nướng làm gì cho phức tạp, để thời gian ngủ cho bổ mắt, còn thằng bé bụng dạ tốt ăn gì cũng được. Nhiều bữa ăn xong bát đĩa, xoong nồi nó chất đầy ở bồn rửa bát, thậm chí để mốc meo lên. Quần áo giặt xong thì bà lại leo lên tầng thượng phơi, nó cứ hồn nhiên với những sở thích cá nhân của nó.


Nó thường đi shopping cuối tuần với mấy cô bạn thân, để thằng bé ở nhà bà trông, nên bà mệt lắm vì chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Có hôm chủ nhật nó đi đến tận 10h tối mà không gọi điện thông báo bà một câu làm bà cứ phần cơm nó. Hôm sau nó hồn nhiên kể đi siêu thị xong máy đứa bạn lại rủ rê đi tụ tập, vui quá cũng quên luôn gọi điện về xem bà cháu thế nào.


Có hôm bà mệt, bà bảo nó lau dọn nhà vì nhà cửa bừa bộn quá, nó bảo bà rằng thôi không phải lau để nó thuê bà đồng nát, mất khoảng hơn trăm nghìn là xong hết. Rồi nó bế thằng bé vào bàn làm việc, mở máy tính chơi Game, thú vui của nó thời sinh viên.


Tối hôm trước, anh chồng đi làm về, mệt nhoài vì đói, lại không báo cơm ở nhà, bảo vợ đi làm cái gì cho chồng ăn. Nó đang mải theo dõi bộ phim Hàn Quốc mà nó say mê nên bảo chồng: Vợ mới mua thùng Omachi mới đó, chồng bóc một gói ăn cho tiện, đang đoạn hồi hộp. Anh chồng ít khi về lên cũng không muốn gây sự, muốn tạo không khí vui vẻ và cũng hiểu tính vợ rồi, đành lặng lẽ đi tắm…Thấy vậy, bà lại lọm cọm xuống bếp nấu cho con trai bát mì gà. Nếu không có bà, chắc nó lại áp dụng cả chiến dịch mỳ tôm với chồng và không biết bà về quê ở thì nhà cửa sẽ ra sao, bà thầm nghĩ…


Thoạt đầu bà không nghĩ gì vì cho rằng nó vẫn trẻ con lắm và cũng là con út trong gia đình nên được bố mẹ cưng chiều từ bé. Nhưng đã hơn một năm nay ở cùng nó, bà vẫn chưa thấy một sự thay đổi tích cực nào từ phía nó. Nó chưa tiếp thu được gì từ sự chăm chỉ của bà. Là người vợ, người mẹ trong gia đình, nhưng nó vẫn vô tâm, vô tính, phó mặc hết việc nhà cửa cho bà, ngoại trừ việc cho thằng bé đi ngủ.


Bà tự trách mình bà đã làm hư nó vì chưa bao giờ bà góp ý cho nó về sự vô tâm của nó hoặc chí ít tâm sự với con trai để anh có lời với vợ. Bà cứ nghĩ thôi mình giúp con giúp cháu để chúng nó yên tâm công tác. Bà mà phàn nàn chúng nó lại suy nghĩ rằng bà cân nhắc thiệt hơn, rồi chồng lại trách cứ vợ, vợ chồng lại cãi vã.


 Nhưng từ thẳm sâu trong lòng bà tự nhủ, nhất định bà sẽ gọi hai con lại để góp ý thẳng thắn, bà không muốn những thói quen như vậy sẽ ảnh hướng tới bọn trẻ sau này. Bà tin các con sẽ hiểu lòng bà…


 Theo Dân trí


tags: nang dau doang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét