11 tháng 7 2012

Lương "siêu khủng" của CEO Việt

Bất chấp sự khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nhân Việt vẫn sở hữu mức lương cao ngất ngưỡng lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2011 có thể được xem là một năm thành công của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do được tận hưởng sự biến động chóng mặt về giá cả. Nhiều công ty kim hoàn đã thu về những khoản lợi nhuận "siêu khủng" chỉ trong thời gian ngắn, đẩy doanh thu và thu lao của các thành viên chủ chốt vọt cao ngất ngưỡng.
Bằng chứng là, trong báo cáo thường niên 2011 của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mức lương cả năm cho vị trí Tổng giám đốc lên đến hơn 1,7 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo thù lao của các nhân vật chủ chốt trong công ty, mức lương hàng tháng đã có sự khác biệt và chênh lệch rõ ràng.
Trong đó, mức lương cao nhất thuộc về Tổng giám đốc công ty với 111 triệu đồng/tháng, tiếp đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị là 10 triệu đồng/tháng; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị 7 triệu đồng/tháng. Có mức lương thấp nhất là thành viên Ban kiểm soát 2 triệu đồng/tháng.
Với việc đảm nhận hai vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PNJ - bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ nhận 111 triệu đồng/tháng (lương và trợ cấp cho vị trí Tổng giám đốc) và 10 triệu đồng/tháng (cho chức danh chủ tịch hội đồng quản trị). Cùng với hai khoản lương trên, vị Tổng giám đốc này còn nhận thêm một khoản thưởng bằng 2,5 tháng lương.
Như vậy, tổng thu nhập của bà Dung khi đảm nhiệm cả 2 chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc PNJ là 121 triệu đồng một tháng, cộng thưởng 2,5 tháng lương sẽ tương đương hơn 1,7 tỷ đồng/năm.
Cùng hưởng mức lương tiền tỷ như Tổng giám đốc PNJ, lãnh đạo của Công ty cổ phần cơ điện lạnh cũng đã có khoản thu nhập đang mơ ước trong năm 2011.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (Mã CK: REE) đã gửi Nghị quyết của đại hội cổ đông Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Trong đó có đưa ra mức thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, lương Tổng giám đốc đã chi năm 2011 và đề xuất cho năm 2012.
Theo đó, mức lương năm 2011 của Tổng giám đốc - bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã được hưởng lên tới 100 triệu đồng/tháng (bằng mức lương đã được hưởng từ 2007).
Như vậy, với mức lương hưởng hàng tháng như trên, trong năm 2011 bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã nhận 1,2 tỷ đồng.
Bước sang năm 2012, Công ty cổ phần cơ điện lạnh cũng đã đề xuất vẫn giữ nguyên mức lương của Tổng giám đốc là 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn kèm theo chế độ khen thưởng trên lợi nhuận vượt kế hoạch.
Để khuyến khích công ty vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2012, REE cũng đề nghị Đại hội đồng cổ đông lần này phê duyệt phương án khen thưởng Tổng giám đốc và các Giám đốc điều hành của nhóm công ty 30% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.
Công ty cổ phần cơ điện lạnh (Mã CK: REE), hiện đang được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, với mệnh giá là 18.200 đồng/cổ phiếu. Với việc giữ được mức tăng trưởng ổn định và giá cả phù hợp, hiện nay cổ phiếu REE đang là một trong nhiều cổ phiếu nằm ở nhóm được nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch.
Cũng có mức thu nhập được tính bằng tiền tỷ, cái tên Đoàn Nguyên Đức thời gian gần đây đã liên tục xuất hiện trên truyền thông bởi mức nhận thù lao ngất ngưỡng, lên 240 triệu đồng cho vị trí Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai mà ông đang đảm nhận.
Chia sẻ với báo chí, ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Công ty ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) với mức thù lao tháng khoảng 240 triệu đồng". Nếu tính theo năm, thù lao cho chức vụ Chủ tịch của bầu Đức là 2,88 tỷ đồng.
Nhắc đến thu nhập "khủng" của các ông chủ Việt, sẽ thật thiếu sót khi không đề cập đến mức lương đã gây nhiều tranh cải của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Pháp biểu tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra thực hiện pháp luật lao động về tiền lương và thu nhập tại EVN vừa diễn ra vào hồi tháng 2/2012, ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trưởng ban thanh tra lương của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức lương cao nhất thuộc về Chủ tịch hội đồng thành viên, với mức thu nhập bình quân là 51 triệu đồng/tháng/người.
Riêng về cán bộ quản lý của Tập đoàn có thu nhập bình quân năm 2008 khoảng 32 triệu đồng/tháng/người; năm 2009 là 38 triệu đồng/người; năm 2010 là 39 triệu đồng.
Lý giải về mức lương trên, ông Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, điện là một sản phẩm đặc thù, mang tính hệ thống, khép kín từ khâu phát điện, truyền tải điện đến khâu phân khối, cung ứng điện năng, quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, không thể tích trữ và được vận hành theo quy trình công nghệ mang tính chuyên môn kỹ thuật cao. Là sản phẩm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trước đó, tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN đã bất ngờ chia sẻ rằng, thu nhập bình quân lao động trong ngành điện năm 2009 chỉ là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Với mức lương này ông cảm thấy "đau lòng" vì khoản thu nhập này chỉ có thể sống được ở nông thôn, mà rất khó sống ở đô thị.

nguồn: vef

tags: luong ceo vietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét